5.2 CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG

5.2 CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG

LÃNH ĐẠO CAO NHẤT PHẢI THIẾT LẬP CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG (5.2)

 Tiêu chuẩn yêu cầu

     Lãnh đạo cao nhất phải thiết lập, thực hiện và duy trì chính sách môi trường, trong phạm vi đã xác định của hệ thống quản lý môi trường của tổ chức.

Điều này có nghĩa là gì?

Thiết lập có nghĩa là phải xây dựng chính sách môi trường,

Thực hiện có nghĩa là chúng ta áp dụng chính sách môi trường đã xây dựng vào hoạt động của tổ chức;

Duy trì có 2 nghĩa, một là đảm bảo nó luôn ở trạng thái hoạt động và hai là đảm bảo nó luôn phù hợp với những gì đã hoạch định cho nó, tức là phải đảm bảo chính sách luôn có hiệu lực.

Chính sách môi trường là tuyên bố cam kết của bạn đối với môi trường. Chính sách này sẽ đóng vai trò là nền tảng cho EMS của bạn và cung cấp một tầm nhìn thống nhất về mối quan tâm về môi trường trong toàn bộ tổ chức. Chính sách của không phải là văn xuôi hoa mỹ hay một tuyên bố viễn vong, mà nó là một định hướng cụ thể cho EMS của tổ chức. Vì nó đóng vai trò là khuôn khổ để thiết lập các mục tiêu và mục tiêu môi trường, chính sách sẽ được đưa vào cuộc sống trong các kế hoạch và hành động của tổ chức. Mọi người trong tổ chức nên hiểu chính sách môi trường và những gì được mong đợi ở họ để đạt được các mục tiêu và mục tiêu của tổ chức. Chính sách của bạn nên có ba cam kết chính là Cải tiến liên tục, Ngăn ngừa ô nhiễm và Tuân thủ luật pháp.

Làm thế nào để chứng minh?

Lãnh đạo cao nhất phải thiết lập chính sách môi trường phù hợp các các yêu cầu từ mục a đến mục e của điều khoản này. Sau đó phải áp dụng chúng vào hoạt động của tổ chức và duy trì chính sách này một cách có hiệu lực (tức là chính sách có thể đạt được, không phải là tuyên bố viễn vong).

 

CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG PHẢI PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH TỔ CHỨC (5.2.a).

 Tiêu chuẩn yêu cầu

         Chính sách môi trường phải : a) thích hợp với mục đích và bối cảnh của tổ chức, bao gồm bản chất, quy mô và các tác động môi trường từ các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của tổ chức;

Điều này có nghĩa là gì?

Theo Phụ lục A.5.2, Chính sách môi trường là một tập hợp các nguyên tắc được nêu như các cam kết, trong đó lãnh đạo cao nhất vạch ra những ý định của tổ chức để hỗ trợ và nâng cao kết quả hoạt động môi trường của nó. Chính sách môi trường cho phép tổ chức thiết lập các mục tiêu môi trường của mình, thực hiện các hành động để đạt được các kết quả dự kiến của hệ thống quản lý môi trường, và đạt được sự cải tiến liên tục.

Mục đích của tổ chức là mục đích tổ chức muốn áp dụng tiêu chuẩn này để làm gì. Mục đích này đôi khi cũng là mục đích của hệ thống quản lý môi trường.

Cam kết cụ thể mà tổ chức theo đuổi phải phù hợp với bối cảnh của tổ chức, bao gồm các điều kiện môi trường địa phương hoặc khu vực. Những cam kết này có thể đề cập đến, ví dụ, chất lượng nước, tái chế, hoặc chất lượng không khí, và cũng có thể bao gồm các cam kết liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, và phục hồi.

Hay nói một cách đơn giản hơn, với những vấn đề nội bộ và bên ngoài đã xác định trong bối cảnh tổ chức, để đạt được mục đích hay mong muốn tổ chức khi áp dụng hệ thống quản lý môi trường thì tổ chức phải đưa ra một chính sách môi trường phù hợp với khả năng tổ chức và đạt được mục đích của mình.

Làm thế nào để chứng minh?

Việc thiết lập chính sách môi trường của tổ chức phụ thuộc vào nhiều yếu tố bối cảnh như: tài chính, cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhân lực, luật định, … và mục đích của từng tổ chức khi áp dụng hệ thống quản lý môi trường nên không có một cách nào chung cho tất cả. Để tiện cho việc giải thích điều khoản này, chúng tôi lấy 1 ví dụ minh hoạ như sau:

Công ty đúc đồng ABC muốn xây dựng hệ thống quản lý môi trường để nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường, tiết kiệm năng lượng và phù hợp yêu cầu luật định.

Bối cảnh tồ chức:

  • Vấn đề nội bộ:

+ Thiết bị lạc hậu, sử dụng than gây ra ô nhiễm môi trường;

+ Tài chính: nguồn lực tài chính ổn định;

+ Con người: Tay nghề cao, có trình độ;

  • Vấn đề bên ngoài:

+ Luật pháp yêu cầu nghiêm ngặt, khí thải đốt than không đáp ứng quy chuẩn ngành;

+ Khách hàng yêu cầu ngài càng cao về môi trường;

+ Công nghệ phát triển mạnh, nhiều công nghệ mới ra đời, giá thành phù hợp năng lực tài chính công ty.

+ Nguồn than đá ngày càng cạn kiệt, giá thành cao.

  • Chính sách công ty: “Sử dụng các công nghệ mới để giảm thiểu tác động môi trường”.

 

CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG PHẢI ĐƯA RA KHUÔN KHỔ THIẾT LẬP MỤC TIÊU (5.2.b).

 Tiêu chuẩn yêu cầu

     Chính sách môi trường phải: cung cấp khuôn khổ cho việc thiết lập các mục tiêu môi trường;

Điều này có nghĩa là gì?

Điều này nói lên rằng chính sách môi trường không phải là một lời nói xuông, hay một phát biểu viễn vong. Chính sách phải được thực hiện và duy trì một cách có hiệu lực, để đo lường tính hiệu lực của chính sách thì chúng ta phải thiết lập mục tiêu cho nó. Hay nói cách khác mỗi tuyên bố trong chính sách điều được đo lường bằng những mục tiêu cụ thể.

Làm thế nào để chứng minh?

Mỗi tuyên bố trong chính sách của bạn, chúng phải là cơ sở để thiết lập mục tiêu.

Ví dụ với chính sách môi trường “Sử dụng các công nghệ mới để giảm thiểu tác động môi trường” à Mục tiêu: Hoàn thành thay thế công nghệ nấu sử dụng than truyền thống bằng công nghệ nấu sử dụng năng lượng điện trong tháng 10.2019.

 

CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG PHẢI BAO GỒM CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (5.2.c).

 Tiêu chuẩn yêu cầu

        Chính sách môi trường phải: c) bao gồm cam kết bảo vệ môi trường, kể cả ngăn ngừa ô nhiễm và cam kết cụ thể khác liên quan đến bối cảnh của tổ chức.

        CHÚ THÍCH: (Các) cam kết cụ thể khác nhằm bảo vệ môi trường có thể bao gồm sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu, và bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Điều này có nghĩa là gì?

Điều này có nghĩa là chính sách môi trường của bạn phải có cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm và cam kết cụ thể mà tổ chức theo đuổi phải phù hợp với bối cảnh của tổ chức, bao gồm các điều kiện môi trường địa phương hoặc khu vực. Những cam kết này có thể đề cập đến, ví dụ, chất lượng nước, tái chế, hoặc chất lượng không khí, và cũng có thể bao gồm các cam kết liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, và phục hồi.

Làm thế nào để chứng minh?

Chính sách môi trường của bạn phải thể hiện nội dung liên quan đến cam kết bảo vệ môi trường, các cam kết này phải phù hợp với bối cảnh tổ chức của bạn. Chẳng hạn như ví dụ ở trên, với bối cảnh là nguồn than đá ngày càng cạn kiệt, thì việc đưa ra chính sách thay đổi công nghệ để bảo vệ môi trường.

 

CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG PHẢI BAO GỒM CAM KẾT THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ NGHĨA VỤ TUÂN THỦ (5.2.d).

 Tiêu chuẩn yêu cầu

        Chính sách môi trường phải:  d) bao gồm cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tuân thủ;

Điều này có nghĩa là gì?

Yêu cầu này cũng giống như yêu cầu trong điều khoản 5.2.c, nghĩa là trong chính sách môi trường của bạn cũng phải thể hiện các cam kết về thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phải tuân thủ. Nghĩa vụ phải tuân thủ đây có thể là các yêu cầu về luật pháp, hiệp hội, cộng đồng địa phương, khách hàng, …

Làm thế nào để chứng minh?

Chính sách môi trường của bạn phải thể hiện nội dung liên quan đến cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phải tuân thủ, chẳng hạng như “Công ty cam kết tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và khách hàng liên quan đến lĩnh vực môi trường”

 

CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG PHẢI BAO GỒM CAM KẾT CẢI TIẾN LIÊN TỤC (5.2.e).

 Tiêu chuẩn yêu cầu

      Chính sách môi trường phải:  e) bao gồm cam kết về cải tiến liên tục hệ thống quản lý môi trường để nâng cao kết quả hoạt động môi trường.

Điều này có nghĩa là gì?

Hiệu lực của hệ thống quản lý được đánh giá bởi mức độ mà nó đáp ứng mục đích của nó. Vì vậy, nâng cao hiệu quả có nghĩa là nâng cao năng lực của hệ thống quản lý. Những thay đổi trong hệ thống quản lý để cải thiện khả năng của nó đạt được mục đích, tức là khả năng cung cấp kết quả đầu ra đáp ứng tất cả các bên liên quan, là một loại thay đổi nhất định và không phải tất cả các thay đổi hệ thống quản lý sẽ thực hiện điều này. Các thay đổi này gọi là cải tiến liên tục hệ thống quản lý. Yêu cầu này đòi hỏi lãnh đạo cao nhất theo đuổi những thay đổi mà nó mang lại một sự cải tiến trong hoạt động nhằm tạo ra một hệ thống quản lý môi trường có hiệu lực và hiệu quả.

Làm thế nào để chứng minh

Cách dễ nhất và rõ ràng nhất để làm điều này là sử dụng những từ chính xác trong chính sách của tổ chức, mặc dù tổ chức có thể diễn giải các cam kết theo cách riêng của tổ chức. Ví dụ như “Công ty cam kết thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục hệ thống quản lý môi trường”.

Đồng thời lãnh đạo phải chứng minh được sự cải thiện trên hệ thống mà công ty đang áp dụng.

 

CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG PHẢI DUY TRÌ Ở DẠNG VĂN BẢN, TRAO ĐỔI TRONG TỔ CHỨC VÀ CÓ SẴN CHO CÁC BÊN QUAN TÂM (5.2).

 Tiêu chuẩn yêu cầu

       Chính sách môi trường phải được:

                   – Duy trì như thông tin dạng văn bản;

                 – Trao đổi thông tin trong toàn bộ tổ chức;

                 – Có sẵn cho các bên quan tâm.

Điều này có nghĩa là gì?

  • Duy trì thông tin dạng văn bản -Chính sách môi trường là một trong những mục trong hệ thống quản lý cần phải là một tài liệu bằng văn bản. Đây có thể là bản cứng hoặc mềm, nhưng nó không thể là truyền miệng. Nó cũng cần được thực hiện, có nghĩa là đã có kế hoạch được thực hiện và các nguồn lực được giao để thực hiện các cam kết trong chính sách. Khi thời gian trôi qua, chính sách cũng sẽ cần được xem xét và cập nhật khi bản chất của các tác động môi trường của công ty hoặc bối cảnh tổ chức thay đổi và đây là sự duy trì của chính sách.
  • Trao đổi thông tin trong toàn bộ tổ chức -Nhân viên cần hiểu chính sách của công ty là gì và hành động làm việc của họ ảnh hưởng đến các tác động môi trường của công ty như thế nào. Chính sách này không cần phải ghi nhớ, nhưng một nhân viên sẽ có thể hiểu ý nghĩa của chúng và cách thức họ đóng góp để đạt được mục tiêu chung của tổ chức.
  • Có sẵn cho các bên quan tâm – nghĩa là chính sách môi trường của bạn phải thể hiện ở một nơi nào đó mà những bên quan tâm của bạn khi cần họ có thể truy cập được.

Làm thế nào để chứng minh?

  • Duy trì thông tin dạng văn bản: bạn có thể thể hiện chính sách dưới dạng file cứng (file giấy, bản thông tin, …) hay file mềm (file work, excel, pdf, powerpoint, trang website, phần mềm quản lý, …).
  • Trao đổi thông tin trong toàn bộ tổ chức: như gửi email, đào tạo, dán bản thông báo, …
  • Có sẵn các bên quan tâm: trên website, trên các bản thông tin, …

Chính sách môi trường tham khảo

Chính sách môi trường

Công ty chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh theo cách thức bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ duy trì một hệ thống quản lý môi trường nhằm mục đích để đạt được các kết quả mong muốn như sau:

Tuân thủ quy định:

Chúng tôi sẽ xác định, đánh giá và tuân thủ tất cả các luật định và chế định liên quan đến môi trường và các yêu cầu về môi trường từ khách hàng cũng như các tiêu chuẩn ngành phải áp dụng.

Ngăn ngừa ô nhiễm

Chúng tôi sẽ tìm kiếm các biện pháp để nhằm giảm thiểu sự tạo ra các chất thải gây ô nhiễm môi trường và quản lý các chất thải mà chúng tôi tạo ra một cách hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng của chúng với môi trường. Đồng thời, hướng đến việc tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, dễ xử lý khi chúng ở cuối vòng đời sản phẩm.

Bảo tồn

Chúng tôi sẽ cố gắng giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và sử dụng tài nguyên một cách bền vững nếu có thể.

Cải tiến

Chúng tôi cố gắng thúc đẩy cải tiến liên tục hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý môi trường của chúng tôi nhằm đạt được kết quả như mong đợi.

 

 

——————————————————–

P/S Nếu bạn thấy bài viết này có ích cho bạn và người khác, hãy giúp tôi chia sẽ cho những người khác biết. Nếu bài viết chưa tốt vui lòng comment bên dưới để chúng tôi hoàn thiện lại. Cám ơn bạn rất nhiều!

Nguyễn Hoàng Em

Categories: ISO 14001:2015

About Author

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.