Chứng nhận hệ thống có từ bao giờ?
Từ khi tiêu chuẩn ISO 9001 ra đời 1987 đến lần sửa đổi thứ 2 vào năm 1994, cấu trúc tiêu chuẩn viết dưới dạng hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng chưa mang tính chất cho chứng nhận hệ thống quản lý.
Vào năm 1999, dưới hỗ trợ của Ủy ban kỹ thuật ISO/TC 176, của Tổ chức tiêu chuẩn hóa ISO, các Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô của Đức, Bắc Mỹ, Ý, Pháp, Vương quốc Anh ngồi lại thống nhất một tiêu chuẩn chung để quản lý các nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng cho ngành ô tô và tiêu chuẩn ISO/TS 16949 ra đời. Mục đích sau cùng của tiêu chuẩn này là yêu cầu các nhà cung cấp phải đạt tiêu chuẩn quản lý tối thiểu như tiêu chuẩn này mới được cung cấp sản phẩm cho các công ty sản xuất ô tô. Đồng thời, để tiết kiệm chi phí quản lý nhà cung cấp của mình, thay vì tự các công ty ô tô sang đánh giá tại các nhà cung cấp, họ lại yêu cầu hệ thống quản lý của nhà cung cấp phải được chứng nhận bởi một tổ chức độc lập. Từ đó việc chứng nhận hệ thống quản lý xuất hiện và các tổ chức chứng nhận ra đời. Ngày nay, các tổ chức chứng nhận lớn bắt nguồn từ các nước của hiệp hội sản xuất ô tô như: TUV của Đức, BSi, Intertek của Anh, BVC của Pháp, SGS của Thuỵ Sĩ.
Mục đích chứng nhận là gì?
Không một tiêu chuẩn ISO nào yêu cầu bạn phải chứng nhận hệ thống của bạn phù hợp với tiêu chuẩn ISO, Việc chứng nhận là tự nguyện.
Đối với các tổ chức sản xuất ô tô, trước khi chấp nhận một nhà cung cấp mới họ tiến hành đánh giá tại nhà cung cấp và định kỳ hàng năm đánh giá lại. Việc đánh giá này phát sinh rất nhiều chi phí và nhân lực, vì vậy để tiết kiệm chi phí này họ yêu cầu hệ thống quản lý của nhà cung cấp phải được chứng nhận của một bên độc lập hoàn toàn được công nhận. Đó là mục đích sơ khai của chứng nhận hệ thống quản lý.
Ngày nay, việc chứng nhận bị hiểu sai lệch và tận dụng cho hoạt động marketing nhiều hơn. Điều đó gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng rằng sản phẩm công ty đạt chất lượng quốc tế hay tốt nhất.
Mục đích chứng nhận là công bố rằng hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn được chứng nhận và hệ thống quản lý chất lượng công ty đảm bảo cho việc tạo ra các sản có chất lượng ổn định phù hợp với công bố của tổ chức. Chứng nhận không nói lên sản phẩm tổ chức có chất lượng tốt nhất hoặc sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một điều cực kỳ quan trọng nên nhớ là chứng nhận chỉ áp dụng cho hệ thống quản lý tạo ra sản phẩm chứ không chứng nhận cho sản phẩm. Nhiều người lầm tưởng việc chứng nhận áp dụng cho sản phẩm. Chính vì điều này mà trong thoả thuận hợp đồng chứng nhận có một điều khoản là không được sử dụng logo của tổ chức chứng nhận in trực tiếp trên sản phẩm của công ty được chứng nhận.
Điều gì quan trọng khi chọn tổ chức chứng nhận?
Có 3 yếu tố liên quan đến lựa chọn cơ quan chứng nhận:
- Một là mức độ chuyên nghiệp của tổ chức chứng nhận: Đối với các tổ chức chứng nhận của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam có 2 dạng, một tổ chức chứng nhận là chi nhánh của tổ chức chức nhận nước ngoài và chịu sự quản lý trực tiếp của tập đoàn, đối với các tổ chức này việc quản lý chứng nhận áp dụng theo chuẩn tập đoàn nên chất lượng khá tốt. Loại thứ 2 là nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, các tổ chức này chỉ nhượng quyền thương hiệu nên chất lương ở mức chấp nhận được. Riêng các tổ chức chứng nhận của Việt Nam thì chỉ sử dụng dấu VCAS nên chứng nhận cho các công ty bán các sản phẩm nội địa là chính.
- Hai là dấu công nhận trên giấy chứng nhận: điều này cực kỳ quan trọng nó thể hiện mức uy tính của giấy chứng nhận. 3 dấu chứng nhận có uy tính nhất trên toàn cầu là UKAS (của Anh), DAkkS (của Đức) và ANAB (của Mỹ). Một số khác ít uy tính hơn như RvA (Hà Lan), JAS-ANZ (Úc – Newzeland), J-CAS (của Nhật), V-CAS (của Việt Nam). Đối với sử dụng dấu công nhận UKAS, DAkkS, ANAB thì chi phí chứng nhận cao hơn các dấu khác. Dấu công nhận nói lên rằng, Tổ chức chứng nhận được tổ chức có dấu công nhận công nhận rằng tổ chức chứng nhận đó có đủ năng lực chứng nhận hệ thống quản lý. Các tổ chức công nhận thường là các cơ quan của chính phủ quản lý về hoạt động chứng nhận.
- Thứ 3 là Sản phẩm của bạn muốn bán vào thị trường nào? nếu bạn muốn bán sản phẩm vào khu vực Châu Âu thì dấu UKAS và DAkkS là phù hợp, Nếu bạn bán sản phẩm sang Mỹ thì dấu ANAB, Bán sang Úc- Newzeland thì dầu JAS-ANZ, còn bán ở Việt Nam thì dấu VCAS là phù hợp.
- Lưu ý: tất cả các dấu công nhận có thể dùng cho tất cả các loại hình công ty, tuy nhiên nếu xét về thế mạnh của mỗi nước công nhận thì mình có một số gợi ý sau: Đức là nước nổi tiếng về công nghiệp sản xuất và cơ khí chính xác, do đó nếu bạn là một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì nên chọn dấu Dakks của Đức, Nếu bạn là cơ sở giáo dục, cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu … thì dấu UKAS của Anh thích hợp, còn bạn là một doanh nghiệp thương mại thì chọn dấu ANAB thì thích hợp.
Chuyển đổi tổ chức chứng nhận/công nhận?
Theo IAF 2:2007 về thỏa thuận công nhận lẫn nhau trên toàn thế giới giữa các Tổ chức Chứng nhận và các Tổ chức Công nhận là thành viên của diễn đàn công nhận quốc tế (IAF), thì các Tổ chức chứng nhận có thể chấp nhận kết quả chứng nhận của một Tổ chức chứng nhận khác mà họ sử dụng dấu công nhận của tổ chức công nhận cùng là thành viên của diễn đàn IAF, chẳng hạng bạn đang chứng nhận ISO 9001:2015 được công nhận bởi BOA, giờ bạn muốn chuyển sang sử dụng một tổ chức khác sử dụng dấu công nhận của DAKK hay UKAS cũng được mà không phải đánh giá lại từ đầu (02 giai đoạn), tuy nhiên để chuyển đổi được điều này bạn cần có 03 điều kiện chính.
- Một là bạn phải cung cấp đầy đủ báo cáo đánh giá 03 kỳ liên tiếp;
- Hai là bạn cung cấp bằng chứng hoàn thành việc khắc phục cho các NC trong các lần đánh giá đó.
- Và hồ sơ xác nhận chứng nhận đang hiệu lực (không bị đình chỉ hoặc thu hồi).
Nếu chứng chỉ bạn chưa đến thời hạn phải đánh giá giám sát hoặc tái chứng nhận thì bên Tổ chức chứng nhận mà bạn muốn chuyển đổi họ sẽ phát hành ngày cho bạn chứng nhận mới mà không cần đánh giá lại cho đến khi bạn tới chu kỳ đánh giá tiếp theo.
Một điều lưu ý rằng các trường hợp sau đây không được chuyển đổi tổ chức chứng nhận/công nhận:
- Chứng nhận đang bị đình chỉ hoặc thu hồi;
- Các NC chưa có bằng chứng đóng;
- Chứng chỉ hết hiệu lực;
- Khách hàng không cung cấp đủ các báo cáo.
Những tổ chức chứng nhận nào hiện nay?
Ngày nay, nhìn chung các tổ chức chứng nhận cùng dấu công nhận thì chất lượng ít có sự chênh lệch lớn, các tổ chức lớn trả lương cho auditor cao nên chiêu mộ được nhiều nhân tài có chuyên môn tốt nên chất lượng và sự chuyên nghiệp cũng có sự hơn chút ít. Tuy nhiên do cách PR khách nhau mà chúng ta hiểu nhằm là tổ chức này hơn tổ chức kia. Về nguyên tắc, các tổ chức chứng nhận có cùng một dấu công nhận thì năng lực của chứng nhận đều được công nhận như nhau, không có việc công nhận tổ chức này chất lượng hơn tổ chức kia.
Hiện nay có rất nhiều tổ chức chứng nhận, chúng tôi xin liệt kê một số tổ chức chứng nhận như:
- TÜV NORD: Tổ chức chứng nhận của Đức
- TUV SUD: Tổ chức chứng nhận của Đức
- TUV Rheinland: Tổ chức chứng nhận của Đức
- BUREAU VERITAS là tổ chức chứng nhận của Pháp
- SGS: Tổ chức chứng nhận của Thụy Sỹ
- DNV: Tổ chức chứng nhận của Nauy
- INTERTEK: Tổ chức chứng nhận của Anh
-
QUACERT: Quacert là tổ chức chứng nhận của Việt Nam do Bộ khoa học và công nghệ và môi trường thành lập
- BSI: Tổ chức chứng nhận của Viện tiêu chuân Anh
- NQA là một tổ chức chứng nhận đa quốc gia với trụ sở chính đặt tại Anh Quốc.
————————————-
Nguyễn Hoàng Em