ISO 14001 2015 – 6.2 – MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG

ISO 14001 2015 – 6.2 – MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG

ISO 14001: 2015

ĐIỀU KHOẢN 6.2 MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG

6.2.1  MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG

 

THIẾT LẬP MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG (6.2.1)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Tổ chức phải thiết lập các mục tiêu môi trường ở từng cấp và các bộ phận chức năng liên quan, có tính đến các khía cạnh môi trường có ý nghĩa và các nghĩa vụ tuân thủ liên quan và cân nhắc đến các rủi ro và cơ hội của tổ chức.

 

Điều này có nghĩa là gì?

Thiết lập có nghĩa là phải xây dựng, hoặc tạo ra một cái gì đó.

Thiết lập các mục tiêu môi trường ở từng cấp và các bộ phận chức năng liên quan: ở một công ty có thể chia ra thành 2 cấp độ như sau: cấp chiến lược và cấp phương án (cấp độ hoạt động). Cấp chiến lược bao gồm các cấp độ cao nhất của tổ chức và các mục tiêu môi trường có thể được áp dụng cho toàn bộ tổ chức, nghĩa là mục tiêu của tổ chức. Các cấp độ phương án hay hoạt động có thể bao gồm các mục tiêu môi trường đối với các đơn vị cụ thể riêng biệt hoặc các bộ phận chức năng trong phạm vi EMS của tổ chức và các mục tiêu này phải phù hợp với định hướng chiến lược của tổ chức. Như vậy tiêu chuẩn yêu cầu tổ chức thiết lập 2 cấp mục tiêu môi trường, cấp công ty và cấp phòng ban. Việc thiết lập mục tiêu môi trường ở cấp độ phòng ban cũng đồng nghĩa với việc xác định sự đóng góp của các cấp và các bộ phận chức năng khác nhau của tổ chức trong việc đạt các mục tiêu, phải làm cho các thành viên riêng biệt trong tổ chức nhận thức được các trách nhiệm của mình.

Cụm từ có tính đến các khía cạnh môi trường có ý nghĩa không có nghĩa là một mục tiêu môi trường phải được lập cho từng khía cạnh môi trường có ý nghĩa, tuy nhiên, những khía cạnh này có cấp độ ưu tiên cao và là cơ sở khi thiết lập các mục tiêu môi trường. Chẳng hạng khía cạnh môi trường lớn nhất của các doanh nghiệp đúc là sử dụng điện năng, vậy mục tiêu môi trường có thể là giảm lượng điện năng tiêu thụ.

Cụm từ có tính đến các nghĩa vụ tuân thủ liên quan nghĩa là không phải tất cả các yêu cầu phải tuân thủ điều phải thiết lập mục tiêu cho chúng, các nghĩa vụ này chỉ là cơ sở để chúng ta quyết định chọn ra các nghĩa vụ nào quan trọng nhất để phấn đấu đạt được.

Cụm từ cân nhắc đến các rủi ro và cơ hội của tổ chức, từ cân nhắc có nghĩa là so sánh, suy xét một cách cẩn thận để lựa chọn các rủi ro và cơ hội nào quan trọng cần đặt mục tiêu phấn đấu đạt được. Ví dụ chẳng hạn tổ chức bạn làm bên lĩnh vực xăng dầu, rủi ro lớn nhất là cháy nổ, vậy bạn có thể đạt mục tiêu liên quan đến PCCC.

Theo TCVN ISO 14004:2017, khi thiết lập mục tiêu môi trường bạn phải cân nhắc đến một số yếu tố đầu vào, bao gồm:

– các nguyên tắc và các cam kết trong chính sách môi trường của mình;

– các khía cạnh môi trường có ý nghĩa (và các thông tin thu được trong quá trình xác định chúng);

– các nghĩa vụ tuân thủ;

– các rủi ro cũng như các cơ hội cần giải quyết như xác định tại 6.1.1, liên quan đến các vấn đề và các yêu cầu khác gây ảnh hưởng đến HTQLMT.

Tổ chức cũng cần cân nhắc:

– các ảnh hưởng khi đạt được các mục tiêu môi trường sẽ tác động đến các hoạt động và các quá trình khác;

– các ảnh hưởng có thể về hình ảnh của công ty đối với cộng đồng;

– những phát hiện từ các cuộc xem xét về môi trường;

– các mục tiêu khác của tổ chức.

 

Làm thế nào đế chứng minh?

Bạn phải thiết lập Mục tiêu môi trường của tổ chức bạn, mục tiêu này đáp ứng các yêu cầu trên bằng cách:

  • Bạn xem xét lại tất cả các khía cạnh môi trường nào có nghĩa mà ảnh hướng lớn nhất đến EMS của bạn, sau đó bạn chọn ra vài khía cạnh để đặt mục tiêu. Đối với cấp độ phòng ban thì cũng xem xét khía cạnh môi trường nào phòng ban đó tác động lớn đến EMS thì bạn đặt mục tiêu kiểm soát nó. Ví dụ: Phòng Hành chính nhân sự khía cạnh môi trường có nghĩa lớn là tiêu thụ giấy và mực in, vậy chúng ta đặt mục tiêu tiết kiệm giấy sẽ vừa giảm lượng giấy và vừa giảm lượng mực in.
  • Thứ 2 về yêu cầu các bên liên quan, bạn phải rà soát lại tất cả các yêu cầu các bên liên, tuỳ vào mức độ quan trọng của yêu cầu mà bạn đặt ra mục tiêu phù hợp. Ví nếu bạn bán hàng điện tử vào thị trường châu âu thì mục tiêu của bạn có thể liên quan đến tuân Thủ RoHS, hay có thể mục tiêu bạn là không vi phạm pháp luật về môi trường.

  

MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG PHẢI NHẤT QUÁN VỚI CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG (6.2.1.a)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Các mục tiêu môi trường phải: a) nhất quán với chính sách môi trường;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Trong mục 5.2.1.b chúng ta đã nói về vấn đề này, chính sách môi trường là tài liệu cao nhất trong EMS của tổ chức nó định hướng tất cả các hành động và quyết định liên quan đến EMS. Thậm chí có thể gọi nó là hiến pháp. Mục tiêu môi trường ví như là các luật, nó phải phù hợp với hiến pháp.

“Nhất quán với các chính sách môi trường” có nghĩa là các mục tiêu môi trường được liên kết rộng rãi và hài hòa với các cam kết do lãnh đạo cao nhất đưa ra trong chính sách môi trường, bao gồm cả các cam kết về cải tiến liên tục. Các mục tiêu môi trường cần nhất quán với các cam kết và chính sách môi trường nhằm bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm, thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ và cải tiến liên tục.

Có thể nói, mục tiêu là cơ sở đo lường tính phù hợp của chính sách môi trường. Thông thường mỗi mệnh đề trong chính sách môi trường người ta thường triển khai thành các mục tiêu môi trường để biết chính sách mình có phù hợp không?

 

Làm thế nào để chứng minh?

Đầu tiên, bạn chắc chắn rằng tất cả các mệnh đề của chính sách đều có mục tiêu môi trường kèm theo. Sau đó, bạn kiểm tra tất cả các mục tiêu còn lại xem có phù hợp với chính sách hay không. Tránh trường hợp mục tiêu xung đột với chính sách, một ví dụ dưới đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

Chính sách: “Cam kết sử dụng nguồn tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả”

Mục tiêu: “Phấn đấu tới tháng 12, giảm 3% lượng điện tiêu thụ/sản phẩm so với 31/12 năm trước.”

 

MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG PHẢI ĐO LƯỜNG ĐƯỢC (6.2.1.b)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Các mục tiêu môi trường phải: b) đo lường được (nếu có thể);

 

Điều này có nghĩa là gì?

Đây là chữ M (Measurable) trong mô hình xây dựng mục tiêu SMART. Điều này nói lên rằng tất cả các mục tiêu đều gắn với một chỉ tiêu đo lường (xem mô hình SMART trong bài viết http://quantri24h.com/6-2-muc-tieu-chat-luong-va-hoach-dinh-de-dat-duoc-muc-tieu/).

Yêu cầu là trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào bạn biết mục tiêu bạn đặt ra có đạt hay không?” câu trả lời là các mục tiêu phải đo lường được và chúng ta phải thiết lập cơ chế đo lường và giám sát tiến độ của chúng.

Các chỉ số được lựa chọn để đánh giá các mục tiêu môi trường có thể đo lường được. “Đo lường” có nghĩa là có thể sử dụng các phương pháp định lượng hoặc định tính có liên quan đến một thang đo đã định để xác định mục tiêu môi trường đã đạt được hay không. Bằng cách quy định “nếu có thể”, công nhận rằng có thể có những tình huống không khả thi để đo lường một mục tiêu môi trường, tuy nhiên, điều quan trọng là tổ chức có khả năng xác định một mục tiêu môi trường đã đạt được hay không.

 

Làm thế nào để chứng minh?

“Đo lường được” là một thuật ngữ kép, nó yêu cầu rằng mỗi mục tiêu đều có một chỉ số đo lường và có phương pháp để đo lường.

Chỉ số đo lường thường gắn liền đến một con số hay một mức độ của mục tiêu. Ví dụ như: đạt 100%, giảm X%, không có trường hợp nào, …

Phương pháp đo lường là cách thức mà chúng ta có thể đo lường mục tiêu để biết được mức độ đạt được mục tiêu của chúng ta như thế nào? Phương pháp do tự tổ chức quyết định và thống nhất cho toàn bộ tổ chức. một điểm lưu ý là một số trường hợp cùng một mục tiêu mà các phòng ban lại có cách đo lường khác nhau.

Mục tiêu và mục đích có sự khác nhau. Mục đích chỉ có duy nhất một đích đến và chúng ta đạt được mục đích hay không, còn mục tiêu là một bảng gồm nhiều mức độ đạt mục tiêu, ví dụ như: đạt 80% mục tiêu, đạt 100% mục tiêu hoặc đạt 150% mục tiêu.

  

MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG PHẢI ĐƯỢC THEO DÕI (6.2.1.c)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Các mục tiêu môi trường phải: c) được theo dõi;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Theo định nghĩa ISO 14001:2015, Theo dõi (monitoring) là xác định tình trạng của một hệ thống, một quá trình hoặc một hoạt động. Chú thích 1: Để xác định tình trạng, đôi khi cần phải kiểm tra, giám sát hoặc quan trắc chặt chẽ.

Theo dõi mục tiêu là xác định tình trạng của mục tiêu đó, theo dõi mang tính thường xuyên, do đó tổ chức phải xác định thường xuyên tình trạng đạt được của các mục tiêu môi trường của mình. Do đó, nếu tổ chức chỉ báo cáo mục tiêu môi trường một lần trong năm là không đáp ứng yêu cầu này của tiêu chuẩn.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Các yêu cầu về theo dõi phải được thiết lập một cách chắc chắn, vì vậy để làm được điều đó ta nên trả lời các câu hỏi liên quan dưới đây:

  • Ai chịu trách nhiệm thu thập các dữ liệu?
  • Làm thế nào để theo dõi thường xuyên các mục tiêu?
  • Cần các phương pháp nào để thống kê hay xử lý dữ liệu thu thập?
  • Mục tiêu được hiển thị hay biểu thị như thế nào?
  • Ai chịu trách nhiệm cho việc phân tích các mục tiêu và rút ra kết luận về tình trạng mục tiêu?
  • Có theo dõi kế hoạch để đạt được mục tiêu không?

Việc xem xét mục tiêu là trách nhiệm của lãnh đạo, việc theo dõi mục tiêu giúp tổ chức có thể đưa ra một hành động cần thiết khi mục tiêu chất lượng xuất hiện rủi ro.

Việc theo dõi mục tiêu có thể bao gồm: thống kê dữ liệu mục tiêu, kiểm tra hoặc giám sát quá trình để đưa ra kết luận về mục tiêu, hoặc có thể thực hiện quang trắc để lấy kết quả.

Một bảng báo cáo tiến độ mục tiêu hàng tháng (hàng tuần) có lẽ là bằng chứng phù hợp cho việc đáp ứng yêu cầu này của tiêu chuẩn.

 

MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG PHẢI ĐƯỢC TRAO ĐỔI (6.2.1.d)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Các mục tiêu môi trường phải: d) được trao đổi;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Cụm từ trao đổi nói lên tính 2 chiều của thông tin, nghĩa là thông báo và nhận lại phản hồi.

Tiêu chuẩn yêu cầu mục tiêu phải được trao đổi, điều này hơi mơ hồ vì trao đổi cho ai? một số người liên quan hay là trao đổi trong toàn bộ tổ chức hay trao đổi cho các bên liên quan. Chỉ cần tổ chức có bằng chứng đã trao đi63 và phổ biến là được, không cần biết hiệu quả việc truyền thông này như thế nào.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Để đáp ứng yêu cầu này thì chúng ta có thể thực hiện một số cách sau:

  • Gửi email thông báo;
  • Dán thông tin bản tin;
  • Đưa mục tiêu chuyển tay nhau đọc và ghi lại xác nhận đã đọc;
  • Cập nhật lên mạng nội bộ và yêu cầu mọi người lên đó xem;
  • Tổ chức cuộc họp toàn thể và phổ biến cho họ mục tiêu này, nên lưu lại biên bản họp ….

Tuy nhiên, một số nhân viên có thể không có thói quen suy nghĩ hướng về các mục tiêu của công ty. Để quá trình truyền thông hiệu lực bạn nên trao đổi một số câu hỏi dưới đây với tất cả nhân viên của bạn:

  • Mục tiêu chính xác của chúng ta là gì? (nhắc nhở họ hàng trăm lần).
  • Tại sao chúng quan trọng? (Giải thích lý do tại sao những mục tiêu quan trọng và tại sao đạt được chúng sẽ tạo sự khác biệt cho tổ chức).
  • Những việc mà nhân viên nên làm để đóng góp cho việc hoàn thành các mục tiêu này là gì?

Phải rất cụ thể. Cung cấp hướng dẫn để hành động và để tác động đến suy nghĩ của nhân viên của bạn. Quá trình tác động liên tục sẽ tạo thành một lối mòn nhận thức theo hướng tư duy theo mục tiêu.

Ngoài ra bạn nên nhận lại các phản hồi từ họ về mục tiêu hay các khó khăn của họ trong việc đạt mục tiêu để làm cơ hội cải tiến mục tiêu cho lần sau.

 

MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG PHẢI ĐƯỢC CẬP NHẬT KHI THÍCH HỢP (6.2.1.e)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Các mục tiêu môi trường phải: e) được cập nhật khi thích hợp.

 

Điều này có nghĩa là gì?

Bối cảnh tổ chức (4.1), yêu cầu các bên liên quan (4.2) và chính sách luôn được xem xét và cập nhật lại nên mục tiêu cũng phải được cập nhật lại để phù hợp với các yếu tố này. Ngoài ra, quá trình quản lý mục tiêu, luỹ kế mục tiêu đã đạt rất sớm trước thời hạn hoặc những mục tiêu rất khó hoàn thành thì chúng ta có để điều chỉnh lại tiêu chí mục tiêu cho phù hợp.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Yêu cầu này là để đảm bảo rằng mục tiêu của tổ chức luôn phù hợp. Tổ chức phải đảm bảo rằng các mục tiêu được xem xét khi có sự thay đổi trong chiến lược, môi trường, và các nhu cầu của khách hàng, các khía cạnh môi trường có nghĩa, các rủi ro mới xuất hiện. Tiêu chuẩn không yêu cầu tần suất thay đổi, đo đó để phù hợp tổ chức nên xem xét điều chỉnh mục tiêu ít nhất một lần một năm.

Một số thay đổi sau đây bạn nên xem xét để cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu:

  • Bối cảnh tổ chức (vấn đề nội bộ và bên ngoài);
  • Yêu cầu các bên liên quan;
  • Chính sách môi trường;
  • Các quá trình mới hoặc thay đổi thiết bị, công nghệ;
  • Công nghệ mới;
  • Luỹ kế mục tiêu vượt hơn nhiều lần so với mục tiêu;
  • Chiến lược công ty thay đổi;
  • Các rủi ro mới xuất hiện;
  • Cách khía cạnh môi trường mới, …

 

MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG PHẢI ĐƯỢC DUY TRÌ THÔNG TIN DẠNG VĂN BẢN (6.2.1)

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải duy trì các thông tin dạng văn bản về các mục tiêu môi trường.

 

Điều này có nghĩa là gì?

Điều này yêu cầu bạn phải viết thành một tài liệu dạng văn bản, có thể là file giấy, file mềm, bản hiển thị, … miễn sau đó chúng được duy trì khi còn hiệu lực.

Chữ Duy trì nói lên mục tiêu chất lượng là một tài liệu thực hiện chứ không phải là một hồ sơ để lưu bằng chứng đã làm.

 

Làm thế nào để chứng minh?

 Một file giấy có sự phê duyệt của lãnh đạo cao nhất có lẽ phù hợp nhất cho việc đáp ứng yêu cầu này. Ngoài ra, bạn phải kiểm soát tài liệu này theo yêu cầu của điều khoản 7.5 Thông tin dạng văn bản.

Một số tài liệu bạn cần phải lưu lại bằng chứng cho việc nại là:

  • Mục tiêu môi trường dạng văn bản;
  • Các bằng chứng về việc trao đổi mục tiêu;
  • Kế hoạch thực hiện mục tiêu;
  • Kết quả theo dõi định kỳ (báo cáo mục tiêu môi trường tháng, năm, …)

Chính sách môi trường

Công ty chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh theo cách thức bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ duy trì một hệ thống quản lý môi trường nhằm mục đích để đạt được các kết quả mong muốn như sau:

Tuân thủ quy định:

Chúng tôi sẽ xác định, đánh giá và tuân thủ tất cả các luật định và chế định liên quan đến môi trường và các yêu cầu về môi trường từ khách hàng cũng như các tiêu chuẩn ngành phải áp dụng.

Ngăn ngừa ô nhiễm

Chúng tôi sẽ tìm kiếm các biện pháp để nhằm giảm thiểu sự tạo ra các chất thải gây ô nhiễm môi trường và quản lý các chất thải mà chúng tôi tạo ra một cách hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng của chúng với môi trường. Đồng thời, hướng đến việc tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, dễ xử lý khi chúng ở cuối vòng đời sản phẩm.

Bảo tồn

Chúng tôi sẽ cố gắng giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và sử dụng tài nguyên một cách bền vững nếu có thể.

Cải tiến

Chúng tôi cố gắng thúc đẩy cải tiến liên tục hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý môi trường của chúng tôi nhằm đạt được kết quả như mong đợi.

 

Mục tiêu môi trường năm 20xx

CÔNG TY XYZ

Tuân thủ quy định:

 Không có trường hợp nào vi phạm pháp luật về môi trường

 

Ngăn ngừa ô nhiễm

Giảm lượng rác thải nguy hại môi trường 10% so với năm 2018

Giảm nước thải 5% so với năm 2018

 

Bảo Tồn

Giảm lượng nước tiêu thụ 15% so với năm 2018;

Giảm lượng điện tiêu thụ/sản phẩm 5% so với năm 2018

 

Cải tiến

 Có 3 cải tiến liên quan đến môi trường/01 tháng.

 

6.2.2. HOẠCH ĐỊNH HÀNH ĐỘNG ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG

 

HOẠCH ĐỊNH NHỮNG GÌ CẦN PHẢI THỰC HIỆN (6.2.2.a)

 

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Khi hoạch định cách thức để đạt được các mục tiêu môi trường, tổ chức phải xác định: a) những gì sẽ được thực hiện;

Điều này có nghĩa là gì?

Đây là yêu cầu tổ chức phải có những hành động cụ thể để hướng vào việc đạt được mục tiêu đó. Không thể nói rằng, “Bằng cách cố gắng hơn nữa” nó là không đủ cụ thể.

Đây là một trong 5 yêu cầu của công cụ 5W1H mà chúng ta thường hay dùng để thực hiện công việc.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Để đạt mục tiêu này tổ chức cần phải xác định những hoạt động nào có ảnh hưởng đến việc mục tiêu, sau đó chọn những hoạt động nào tác động trực tiếp và đưa ra các giải pháp để hoạt động cung cấp hoặc tạo điều kiện cho việc đạt được mục tiêu.

Thứ hai là xác định những việc cần làm còn lại để đạt được mục tiêu. Để minh họa cho bằng chứng này, chúng ta xem ví dụ ở bảng 13.1 ở bài viết http://quantri24h.com/6-2-muc-tieu-chat-luong-va-hoach-dinh-de-dat-duoc-muc-tieu/

 

XÁC ĐỊNH NHỮNG NGUỒN LỰC CẦN THIẾT (6.2.2.b)

 

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Khi hoạch định cách thức để đạt được các mục tiêu môi trường, tổ chức phải xác định: b) những nguồn lực gì được yêu cầu;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Nói về nguồn lực thì chúng ta nghĩ đến 4 nguồn lực quan trọng trong EMS của một tổ chức:

  • Con người;
  • Cơ sở hạ tầng (máy móc, thông tin, nhà xưởng, vận chuyển, …);
  • Công nghệ;
  • Tài chính;

Xác định nguồn lực cần thiết có nghĩa là xác định 4 nguồn lực trên cái nào cần thiết cho các hoạt động để cung cấp cho việc đạt được mục tiêu của tổ chức.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Bất cứ hoạt động nào của tổ chức đều cần đến nguồn lực, không có nguồn lực thì hoạt động không thể thực hiện và bất cứ điều gì cũng không hoàn thành. Do đó, việc xác định nguồn lực cần thiết là cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng khá lớn đến việc hoàn thành mục tiêu đề ra.

Không cần để lại bằng chứng cho yêu cầu này, chỉ cần bạn chứng tỏ được các hoạt động mục 6.2.2.a được thực hiện với nguồn lực đủ và hiệu quả là đủ.

 

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM (6.2.2.c)

 

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Khi hoạch định cách thức để đạt được các mục tiêu môi trường, tổ chức phải xác định: c) ai là người chịu trách nhiệm;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Mục tiêu là cái chung của tổ chức, của phòng ban hoặc của một quá trình liên quan đến nhiều người, nếu chúng ta không chỉ ra trách nhiệm của từng người thì khó có thể hoàn thành mục tiêu như mong muốn. Do đó, tổ chức phải phân công trách nhiệm cho từng mục tiêu cụ thể, ai phải làm gì. Đây là điều khoản nhằm cụ thể hoá điều khoản 5.3 phân công trách nhiệm và quyền hạn.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Một bảng kế hoạch hành động kèm thêm cột trách nhiệm có thể là đủ để đáp ứng yêu cầu này (xem ví dụ 6.2.2.a). Tuy nhiên việc phân công trách nhiệm cũng cần chú ý đến năng lực và khả năng xử lý vấn đề của người được phân công. Ngoài ra, cần phải phổ biến cho người được phân công trách nhiệm và những người có liên quan được biết về vấn đề này.

 

XÁC ĐỊNH THỜI GIAN HOÀN THÀNH (6.2.2.d)

 

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Khi hoạch định cách thức để đạt được các mục tiêu môi trường, tổ chức phải xác định: d) khi nào mục tiêu được hoàn thành;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Đây là chữ T trong mô hình SMART, nếu không có thời gian hoàn thành sau biết được mục tiêu đạt hay không đạt.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Đối với mỗi mục tiêu, bạn cần phải ấn định thời gian hoàn thành. Ngoài ra, để quản lý tốt và theo dõi kịp thời tình trạng mục tiêu thì bạn nên xây dựng lũy kế mục tiêu, tức là hàng tháng phải đạt bao nhiêu. Một ví dụ minh họa ở hình 13.1 có thể giúp chúng ta thấy rõ vấn để này.

Ví dụ: Mục tiêu chúng ta là đến tháng 6 giảm 3% tỷ lệ phế phẩm so với tháng 12 năm trước đó, tức là mỗi tháng chúng ta giảm 0.5%, lũy kế được biểu diễn hình 13.1.

Mục tiêu chất lượng

 

CÁCH THỨC ĐÁNH GIÁ MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG (6.2.2.e)

 Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Khi hoạch định cách thức để đạt được các mục tiêu môi trường, tổ chức phải xác định: e) cách thức để đánh giá các kết quả, bao gồm cả các chỉ số để theo dõi tiến trình nhằm đạt được các mục tiêu môi trường có thể đo được của mình (xem 9.1.1).

 

Điều này có nghĩa là gì?

Điều này yêu cầu bạn đưa ra phương pháp đánh giá kết quả sau khi thu thập và phân tích dữ liệu. Đồng thời xem xét kết quả thu được có đạt chưa.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Đây là một điều quan trọng, làm thế nào để biết mục tiêu của chúng ta có hoàn thành hay không? kết quả này có đúng hay không? phương pháp phân tích dữ liệu có phù hợp chưa đó là những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời cho yêu cầu này.

Làm thế nào để bạn xác định hiệu quả của các hành động? thời điểm hợp lý nhất để đánh giá kết quả là xem xét của lãnh đạo. Để chứng minh điều này bạn cần phải làm như sau:

  • Xây dựng phương pháp thu thập dữ liệu liên quan đến mục tiêu;
  • Xây dựng phương pháp phân tích và đánh giá dữ liệu đã được thu thập;
  • Cách thức báo cáo kết quả phân tích dữ liệu lên người chịu trách nhiệm và lãnh đạo cao nhất để xem xét và đánh giá.

Không có yêu cầu về tài liệu trong mục 6.2.2 này, bạn có thể để thông tin dạng văn bản hay không là tùy bạn. Nhưng bạn phải chứng minh cho đánh giá viên biết được bạn đang thực hiện và đã đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn.

TÍCH HỢP MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG VÀO CÁC QUÁ TRÌNH (6.2.2)

 

Tiêu chuẩn yêu cầu

Tiêu chuẩn yêu cầu: Tổ chức phải cân nhắc cách thức hành động để đạt được các mục tiêu về môi trường của mình có thể tích hợp vào các quá trình hoạt động chủ chốt của tổ chức.

 

Điều này có nghĩa là gì?

Các hành động thực hiện mục tiêu phải gắn liền với các quá trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, các địa điểm hoặc các cơ sở vật chất của một địa điểm riêng biệt. Trong quá trình lập kế hoạch mang tính chiến lược của mình, các tổ chức có thể kết hợp các chương trình để đạt được mục tiêu môi trường với các chương trình khác.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Nói một cách đơn giản dễ hiểu là mục tiêu môi trường của tổ chức của bạn liên quan đến quá trình nào, thì các hành động đạt mục tiêu môi trường của bạn phải được kết hợp vào quy trình quản lý quá trình đó. Chẳng hạn, mục tiêu bạn là giảm lượng rác thải nguy hại thì kế hoạch hành động của bạn phải bao gồm:

  • Bộ phận R&D: cải tiến quá trình sản xuất sử dụng ít nguyên liệu phát sinh rác thải nguy hại;
  • Quá trình mua hàng: hạn chế mua nguyên liệu tạo ra rác thải nguy hại và tìm trên thị trường vật liệu thay thế thân thiện với môi trường;
  • Quá trình sản xuất: tiết kiệm những vật tư nguyên liệu tạo ra các chất thải nguy hại;
  • Quá trình quản lý rác thải nguy hại: phải kiểm tra và thống kê lượng rác thải nguy hại phát sinh.

Các hành động này phải đưa thành quy định và áp dụng cho các bộ phận liên quan phải tuân thủ.

 

————————————-

P/S Nếu bạn thấy bài viết này có ích cho bạn và người khác, hãy giúp tôi chia sẽ cho những người khác biết. Nếu bài viết chưa tốt vui lòng comment bên dưới để chúng tôi hoàn thiện lại. Cám ơn bạn rất nhiều!

 

Nguyễn Hoàng Em

Categories: ISO 14001:2015

About Author

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.