ISO 14001:2015 Điều khoản 7.3  NHẬN THỨC

ISO 14001:2015 Điều khoản 7.3  NHẬN THỨC

7.3  NHẬN THỨC

 

KHÁI QUÁT VỀ NHẬN THỨC:

Theo Wikipedia, Nhận thức là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua học hỏi, suy nghĩ, kinh nghiệm và quan sát. Quá trình thúc đẩy nhận thức là quá trình giúp con người nhận ra và biết được vấn đề cần nhận thức. Mục đích của quá trình thúc đẩy nhận thức là giúp con người thay đổi hành vi và có hành động đúng.

Quá trình nhận thức của con người diễn ra qua hai giai đoạn: nhận thức cảm tính (trực quan sinh động) và nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng) (quá trình nhận thức như hình bên dưới).

–    Nhận thức cảm tính có được nhờ sự hoạt động của các giác quan nhận biết của con người, như thính giác, thị giác, xúc giác… Nhận thức cảm tính cung cấp những hiểu biết ban đầu về đối tượng nhận thức, nhưng những hiểu biết đó mới chỉ dừng lại ở những nét bề ngoài của đối tượng. ví dụ về EMS như mắt thấy bảng chính sách môi trường treo, tai nghe đào tạo hoặc phát thanh, …

–    Nhận thức lý tính có được nhờ sự hoạt động của tư duy trừu tượng, nó được tiến hành qua ba hình thức: khái niệm, phán đoán, suy luận.

+ Khái niệm là quá trình phản ánh những mối liên hệ và thuộc tính bản chất phổ biến của các sự vật, hiện tượng nào đó. Nghĩa là nhìn nhận sự việc một cái tổng thể, đây là cái gì. Ví dụ như đây là chính sách môi trường, chúng bao gồm các yêu cầu như 1, 2 ,3 …

+ Phán đoán là sự liên kết các khái niệm riêng lẻ tạo thành một nhận định nhằm khẳng định hay phủ định một thuộc tính, mối liên hệ nào đó của hiện thực khách quan. Nghĩa là đưa ra một nhận định về sự vật hiện tượng, cái đó tốt, xấu, đẹp, ngon, dỡ, … ví dụ về EMS thì chính sách môi trường là đúng để bảo vệ môi trường

+ Suy luận phản ánh quá trình vận động của tư duy đi từ những cái đã biết đến việc nhận thức những cái chưa biết một cách gián tiếp, dựa trên cơ sở sử dụng những tri thức đã có. Nghĩa là từ cái hiện tại có được chúng ta có thể đưa ra dự đoán cho tương lai, từ cái biết có chính sách môi trường là đúng thì chúng ta phải làm gì để đạt được chúng, hay thay đổi hành vi để đạt được chính sách môi trường.

Ở doanh nghiệp, chúng ta thường treo bảng chính sách môi trường, phát thẻ chính sách môi trường photo hay phổ biến thông qua đọc hay đào tạo ban đầu, hai việc này chỉ dừng lại ở bước Cảm giácKhái niệm nên chưa thay đổi được hành vi của người lao động ý thức hơn về việc đạt được hiệu lực của chính sách này cũng như đầu ra của EMS. Để nhân viên có ý thức bảo vệ môi trường và tầm quan trong của việc đạt được mục đích tổ chức thì tổ chức cần phải giải thích và chỉ rõ được lợi ích của hệ thống EMS là gì, lợi ích chính sách môi trường là gì, tại sao chúng ta phải thực hiện nó, từ đó người lao động họ sẽ tự đưa ra các Phán đoán rằng việc này là tốt, là đúng, là bảo vệ cho chúng ta, cho xã hội. Từ cái này là tốt và đúng thì người lao động khi thực hiện công việc họ tự đưa ra Suy luận và cân nhắc rằng làm như thế nào bảo vệ môi trường và đạt được EMS. Chính cái suy luận này sẽ làm thay đổi hành vi của người lao động và họ có hành động đúng với vấn đề cần nhận thức. Đây chính là mục đích của quá trình nhận thức và đây cũng là yêu cầu cốt lỗi về nhận thức trong ISO 14001:2015 mà tổ chức phải đáp ứng.

Như vậy quá trình thức đẩy nhận thức diễn qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là thức đẩy nhận thức cảm tính, sau đó là thúc đẩy nhận thức lý tính.

–    Thúc đẩy nhận thức cảm tính nghĩa là cho họ tiếp xúc, nhìn thấy và nghe thấy về cái muốn cần nhận thức để họ có cái tiếp xúc ban đầu về cái cần nhận thức. Trong doanh nghiệp chúng ta thường treo các băng ron, các biển thông báo, phát thanh, phát thẻ chính sách môi trường … là nhằm tạo nhận thức cảm tính của con người. Do bản chất của việc nhận thức cảm tính là cái tiếp xúc ban đầu nên việc chỉ sử dụng biện pháp này không hiệu quả nếu không thúc đẩy quá trình nhận thức lý tính. Đây là lý do tại sau doanh nghiệp đã đào tạo, dán thông báo hay phát các chính sách môi tường cho từng nhân viên mà họ không nhận thức được ý thức tuân thủ hoặc không có ý thức bảo vệ môi trường, việc này chỉ đơn thuần là tạo nhận thức cảm tính.

– Thúc đẩy nhận thức lý tính là dùng các biện pháp kích thích quá trình tìm tòi, học hỏi, suy luận về vấn đề cần phải nhận thức. Một số ví dụ về quá trình thúc đẩy nhận thức lý tính như:

+ Tiến hành trao đổi (phỏng vấn, …) người lao động định kỳ sau khi đào tạo hoặc đào tạo lặp lại để đảm bảo người lao động có nhận thức đúng về vấn đề cần nhận thức;

+ Quan sát công việc của họ và chỉ họ các vấn đề liên quan cần nhận thức;

+ Tổ chức các cuộc thi, hỏi thảo kích thích tìm hiểu về vấn đề cần nhận thức;

+ Thực hành kỹ luật lao động sau khi đào tạo….

Tóm lại để quá trình nhận thức có hiệu lực, việc đầu tiên là bạn phải thúc đẩy nhận thức cảm tính, nghĩa là tiến hành đào tạo, dán biển báo, băng ron, áp phít, …., sau đó thúc đẩy nhận thức lý tính thông qua việc trao đổi thông tin thường xuyên, coaching, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thiết lập cơ chế kiểm tra và giám sát việc nhận thức định kỳ, … Nhưng việc quan trọng nhất là giúp họ nhìn ra vấn đề cần nhận thức và thực hiện hành động theo các vấn đề này.

 

NHẬN THỨC VỀ CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG (7.3.a)

Tiêu chuẩn yêu cầu:

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Tổ chức phải đảm bảo những người làm việc dưới sự kiểm soát của mình nhận thức được về: a) chính sách môi trường;

Điều này có nghĩa là gì?

Quá trình thúc đẩy nhận thức môi trường là quá trình giúp họ hiểu về chính sách môi trường có những gì, để đạt được những điều đó thì họ phải cần những hàng động gì.

Kết quả của nhận thức thường biểu hiện trên hành vi của người đó, một người nhận thức tích cực về vấn đề thì hành vi của họ có xu hướng tích cực, một người có nhận thức tiêu cực thì hành động của họ sẽ tiêu cực. Do đó, nếu nhân viên tổ chức nhận thức rằng công việc của họ nhằm đối phó với EMS để nhận chứng nhận thì không bao giờ hệ thống EMS bạn không bao giờ có hiệu lực. Mọi việc làm đúng khi chúng ta nhận thức đúng vấn đề.

Mục đích của Điều khoản này là để đảm bảo rằng nhân viên ở tất cả các cấp của tổ chức hiểu rõ ràng về Chính sách, nguyên tắc của EMS và cách thức mà các hoạt động công việc của họ tác động đến môi trường và việc đạt được các mục tiêu của EMS bao gồm việc đáp ứng các nghĩa vụ tuân thủ.

Làm thế nào để chứng minh?

Nhận thức về chính sách môi trường không nên được hiểu là các cam kết trong chính sách cần phải được ghi nhớ hoặc những người làm công việc dưới sự kiểm soát của tổ chức phải có một bản sao của chính sách môi trường. Thay vào đó, những người này nên nhận thức được sự tồn tại của chính sách môi trường này, mục đích tạo ra nó và vai trò của họ trong việc đạt được các cam kết trong chính sách này, bao gồm cả cách thức công việc của họ có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện nghĩa vụ tuân thủ của tổ chức.

Lãnh đạo cao nhất có trách nhiệm chính trong việc xây dựng nhận thức trong tổ chức liên quan đến HTQLMT và kết quả hoạt động môi trường nhằm tăng cường kiến thức và thúc đẩy hành vi hỗ trợ các cam kết về chính sách môi trường của tổ chức. Điều này bao gồm việc làm cho nhân viên và những người làm việc dưới sự kiểm soát của tổ chức nhận thức được các giá trị về môi trường của tổ chức, và cách thức để các giá trị này có thể đóng góp được vào chiến lược kinh doanh của tổ chức.

Bạn có thể thực hiện nhận thức thông qua đào tạo và giải thích họ hiểu về ý nghĩa của chính sách môi trường, thực hiện đọc chính sách môi trường hàng ngày trước giờ làm việc, tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường, treo các bản chính sách làm việc tại những nơi phù hợp. Định kỳ bạn nên phỏng vấn đột xuất chính sách môi trường một số người, sau đó cho họ những món quà nho nhỏ cũng kích thích quá trình hình thành nhận thức của họ.

 

NHẬN THỨC VỀ KHÍA CẠNH MÔI TRƯỜNG (7.3.b)

Tiêu chuẩn yêu cầu:

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Tổ chức phải đảm bảo những người làm việc dưới sự kiểm soát của mình nhận thức được về: b) các khía cạnh môi trường có ý nghĩa và các tác động môi trường thực tế hoặc tiềm ẩn liên quan đến công việc của họ;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Một người muốn bảo vệ môi trường khi họ biết được công việc của họ tác động đến môi trường như thế nào? Vì vậy muốn EMS của bạn có hiệu lực thì đầu tiên người thực hiện công việc liên quan đến khía cạnh môi trường phải biết được công việc của họ tạo ra những khía cạnh môi trường nào và tác động của chúng đến môi trường. Việc nhận thức các khía cạnh môi trường này giúp người lao động hình thành ý thức tự kiểm soát các khía cạnh môi trường mà họ tạo ra.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Cũng giống như Chính sách môi trường, bạn có thể phổ biến các khía cạnh môi trường thông qua đào tạo, trao đổi thông tin, hướng dẫn, kèm cập, kiểm tra các hoạt động của họ. Ngoài ra, bạn cũng có thể treo các bảng khía cạnh môi trường tại nơi làm việc.

 

NHẬN THỨC VỀ ĐÓNG GÓP CỦA HỌ VỀ EMS (7.3.c)

Tiêu chuẩn yêu cầu:

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Tổ chức phải đảm bảo những người làm việc dưới sự kiểm soát của mình nhận thức được về: c) đóng góp của họ vào tính hiệu lực của hệ thống quản lý môi trường, bao gồm cả lợi ích của việc nâng cao kết quả hoạt động môi trường;

 

Điều này có nghĩa là gì?

Theo tiêu chuẩn ISO 9000:2015, nhận thức đạt được khi mọi người hiểu rõ trách nhiệm của họ và cách hành động của họ góp phần vào việc đạt được các mục tiêu của tổ chức. Nhận thức về tầm quan trọng của một hoạt động có nghĩa là cá nhân có thể tiếp cận các hoạt động với các hành vi thích hợp.

Vì vậy điều đầu tiên bạn phải chỉ cho họ thấy được lợi ích của việc áp dụng có hiệu lực EMS của bạn, sau đó chỉ cho họ biết vai trò và trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo hiệu lực của hệ thống quản lý môi trường.

Làm thế nào để chứng minh?

Để làm được điều này, bạn phải thiết lập các nội dung cần thiết trao đổi, đào tạo và phổ biến để người lao động hình thành nhận thức về EMS, một số nội dung dưới đây có thể cần thiết như:

  • Vai trò và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ môi trường;
  • Ý thức bảo vệ môi trường như: bỏ rác đúng quy định, làm đúng quy trình, tiết kiệm tài nguyên, …
  • Ý thức về các khía cạnh môi trường có nghĩa;
  • Ý thức về việc đạt mục tiêu của tổ chức;
  • Tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và các tác động môi trường do ô nhiễm…

Theo ISO 14004:2017, giải thích như sau: Lãnh đạo cao nhất cũng phải đảm bảo rằng những người làm việc dưới sự kiểm soát của tổ chức phải biết đến:

  • chính sách môi trường của tổ chức và cam kết của tổ chức về chính sách môi trường;
  • tầm quan trọng của việc phù hợp với các yêu cầu của HTQLMT;
  • sự đóng góp của tổ chức vào hiệu lực của HTQLMT;
  • các lợi ích về kết quả hoạt động môi trường được cải thiện;
  • các trách nhiệm hoặc trách nhiệm giải trình của tổ chức trong phạm vi của HTQLMT;
  • các khía cạnh môi trường có ý nghĩa thực tế hoặc tiềm ẩn và các tác động môi trường liên quan của các hoạt động trong công việc của tổ chức;
  • các rủi ro và cơ hội xác định được mà cần giải quyết liên quan đến các hoạt động trong công việc của tổ chức, nếu có;
  • hậu quả của việc không tuân thủ các yêu cầu của HTQLMT hiện hành, kể cả các nghĩa vụ tuân thủ của tổ chức.

Các ví dụ về các phương pháp nâng cao nhận thức có thể bao gồm quá trình trao đổi thông tin nội bộ, các dấu hiệu trực quan, biểu ngữ, chiến dịch, đào tạo hoặc giáo dục và tư vấn.

 

NHẬN THỨC VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ KPH ĐẾN VỚI EMS (7.3.d)

Tiêu chuẩn yêu cầu:

Tiêu chuẩn yêu cầu:  Tổ chức phải đảm bảo những người làm việc dưới sự kiểm soát của mình nhận thức được về: d) ảnh hưởng của sự không phù hợp với các yêu cầu hệ thống quản lý môi trường bao gồm cả việc không đáp ứng nghĩa vụ tuân thủ của tổ chức.

 

Điều này có nghĩa là gì?

Tiêu chuẩn muốn nhắc tổ chức rằng, nếu không hiểu được hậu quả của hành động tạo ra thì họ sẽ không để ý đến việc phòng ngừa vấn đề. Cũng như không biết tác hại của việc xả thải môi trường thì họ cứ vô tư xả thải hoặc vứt rác bừa bải.

Nhân viên hiểu được hậu quả của hành động của họ thì khi hành động hõ sẽ căn nhắc đến môi trường và họ sẽ đưa ra quyết định thân thiện với môi trường hơn. Nhân viên phải hiểu cách thực hiện trách nhiệm của mình phù hợp với EMS và hiểu cách thực hiện không chính xác các hoạt động công việc của họ sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Làm thế nào để chứng minh?

Việc chứng minh điều này giống như phần trên.

 

————————————-

P/S Nếu bạn thấy bài viết này có ích cho bạn và người khác, hãy giúp tôi chia sẽ cho những người khác biết. Nếu bài viết chưa tốt vui lòng comment bên dưới để chúng tôi hoàn thiện lại. Cám ơn bạn rất nhiều!

 

Nguyễn Hoàng Em

Categories: ISO 14001:2015

About Author

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.